Theo Bizlive và vnexpress cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 300 doanh nghiệp mới thành lập. Số lượng công ty mới thành lập ngày một nhiều và không phải công ty nào cũng biết rõ những công việc vô cùng quan trọng và cấp bách sau khi thành lập công ty.
Không ít doanh nghiệp có suy nghĩ: sau khi làm xong thủ tục xin giấy phép kinh doanh thì đã đủ điều kiện kinh doanh. Nên không quan tâm cần chuẩn bị gì. Hoặc số ít doanh nghiệp lại chú trọng đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng, nhà xưởng,… mà không để tâm đến vấn đề pháp lý kinh doanh ban đầu khi công ty vừa thành lập theo đúng quy định của pháp luật.
Khi doanh nghiệp nhận được đăng ký kinh doanh thì thông tin DN của bạn đã được Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan đã ghi nhận ngay tình trạng doanh nghiệp đang hoạt động.
1/ Đăng công bố thành lập doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký Doanh nghiệp theo quy định tại Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014. Nội dung công bố bao gồm các nội dung đã đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
Thời hạn thông báo công khai các thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
2/ Treo bảng biển tại trụ sở kinh doanh
Ngay khi bắt đầu đi vào hoạt động, doanh nghiệp cần tiến hành tạo biển công ty, biển công ty phải thể hiện rõ: tên của doanh nghiệp, địa chỉ, MST doanh nghiệp. Tất cả nội dung trên bảng biển phải chính xác theo nội dung đăng ký kinh doanh. Treo ngay tại địa chỉ kinh doanh của đơn vị. Tránh trường hợp cán bộ thuế đột xuất đi kiểm tra. Nếu không có bảng biển có quyền ra quyết định công ty bạn không hoạt động tại trụ sở đăng ký. Và ra quyết định doanh nghiêp bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh và xuất hóa đơn của doanh nghiệp.
Và đồng thời, theo thông tư 39/2014/TT-BTC có hiệu lực từ 1/6/2014, biển hiệu công ty là điều kiện cần để có thể thực hiện thủ tục đề nghị sử dụng hoá đơn điện tử lần đầu.
3/ Khai và nộp thuế môn bài
Miễn lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp thành lập năm 2020
Theo quy định tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2020 như sau:
- Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
- Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
- Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
- Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc diện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa) được thành lập trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì thời gian miễn lệ phí môn bài của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết thời gian doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện miễn lệ phí môn bài theo quy định tại Điều 16 và Điều 35 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Cơ sở giáo dục phổ thông công lập và cơ sở giáo dục mầm non công lập
Như vậy, đối với doanh nghiệp thành lập năm 2020 sẽ được miễn lệ phí môn bài, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải kê khai và nộp tờ thuế môn bài.
3.1 Thời hạn khai và nộp thuế môn bài:
Người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập; doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh thực hiện khai lệ phí môn bài và nộp Tờ khai cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trước ngày 30 tháng 01 năm sau năm mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập.
3.2 Mức thuế môn bài phải nộp:
Mức thuế môn bài phải nộp của các công ty mới thành lập. Căn cứ vào vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư theo biểu như sau:
TT | Đối tượng | Mức thu | Tiểu mục nộp tiền |
1 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng | 03 triệu đồng/năm | 2862 |
2 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống | 02 triệu đồng/năm | 2863 |
3 | Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | 01 triệu đồng/năm
| 2864 |
Bậc lệ phí môn bài mới nhất 2020
- Hồ sơ khai lệ phí môn bài: Tờ khai lệ phí môn bài cho doanh nghiệp theo mẫu 01/MBAI. (Mẫu ban hành kèm theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP của Bộ Tài chính).
- Lưu ý: Doanh nghiệp nộp tờ khai và tiền thuế môn bài trong thời gian quy định. Trong trường hợp doanh nghiệp quên không nộp tờ khai thuế môn bài thì doanh nghiệp thì sẽ bị phạt về hành vi chậm nộp tờ khai và tiền chậm nộp lệ phí môn bài.
4/ Doanh nghiệp xác định phương pháp tính thuế GTGT
Có 2 phương pháp tính thuế GTGT mà DN có thể lựa chọn khi tính thuế GTGT. Phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp (trực tiếp trên doanh thu), trường hợp DN kinh doanh vàng bạc, đá quý thì luật quy định sẽ phải tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT.
4.1 Kê khai nộp thuế theo phương pháp khấu trừ:
Theo thông tư số 93/2017/TT-BTC có hiệu lực (5/11/2017) quy định việc xác địnhphương pháp tính thuế theo Hồ sơ kê khai thuế GTGT do cơ sở kinh doanh gửi đến cơ quan thuế, bỏ hướng dẫn nộp mẫu 06 GTGT khi mới thành lập. Mặc định doanh nghiệp mới thành lập sẽ áp dụng phương pháp tính thuế khấu trừ
Hồ sơ Kê khai nộp thuế theo phương pháp khấu trừ bao gồm:
Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến cơ quan thuế.
4.2 Kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp
Là phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu thực tế của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Hồ sơ bao gồm: Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 03/GTGT or 04/GTGT đến cơ quan thuế.
4.3 Thời hạn kê khai, nộp thuế GTGT
- Doanh nghiệp mới thành lập thì việc khai và nộp thuế GTGT. Được thực hiện theo Quý áp dụng cho cả 2 phương pháp tính thuế GTGT.
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế GTGT theo tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo, theo quý chậm nhất là ngày 30 của tháng tiếp theo sau khi kết thúc Quý.
- Sau khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng. Thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu từ việc bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề. Để thực hiện việc khai thuế GTGT sẽ theo tháng hoặc theo quý. Kê Khai theo quý với mức doanh thu năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống. Ngược lại theo tháng.
- Thường thì công ty mới thành lập sẽ chưa phát sinh các nghiệp vụ mua bán hàng hóa, dịch vụ. Nhưng doanh nghiệp vẫn phải nộp tờ khai thuế GTGT.
- Trường hợp DN đủ điều kiện kê khai theo quý nhưng muốn chuyển sang khai thuế theo tháng thì gửi thông báo (theo mẫu số 07/GTGT) cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là cùng với thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT của tháng đầu tiên của năm bắt đầu kê khai thuế GTGT theo tháng.
4.4. Đăng ký khai thuế, nộp thuế điện tử
Hiện nay việc khai thuế và nộp thuế đã được cơ quan thuế phổ biến rộng rãi theo hình thức nộp điện tử qua trang web của tổng cục Thuế bằng chứng thư số (chữ ký số). Đây là một con dấu điện tử được đăng ký với cơ quan Thuế để thực hiện việc ký xác nhận hồ sơ khai, nộp thuế của người nộp thuế. Doanh nghiệp có thể thông qua An Hòa để nhận được tư vấn về chữ ký số nhằm giảm mức phí sử dụng chữ ký số với mức thấp nhất và dịch vụ hỗ trợ tốt nhất.
5/ Hóa đơn điện tử
Hiện nay đối với doanh nghiệp mới thành lập từ năm 2019 thì việc sử dụng hóa đơn điện tử là bắt buộc. Các DN thành lập trước năm 2019 thì sẽ bắt buộc từ ngày 1/11/2020. Doanh nghiệp có thể thông qua An Hòa để có mức phí sử dụng hóa đơn điện tử với giá ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ tốt nhất.
Khi đã chọn được nhà cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử DN cần tiến hành chọn mẫu và tiến hành thông báo phát hành hóa đơn điện tử gửi đơn vị thuế, sau 2-3 ngày cơ quan thuế sẽ tiến hành đánh giá hồ sơ để xem xét chấp thuận hay không? Sau khi được chấp thuận DN mới được phép sử dụng.
6/ Khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Thuế thu nhập doanh nghiệp được khai tạm tính theo quý, khai quyết toán năm. Và khai quyết toán đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu. Hoặc giải thể, chấm dứt hoạt động.
- Khai thuế TNDN tạm tính theo quý: Từ ngày 15/11/2014 theo điều 17 thông tư 151/2014/TT-BTC quy định: hang quý DN sẽ tính và nộp tiền thuế TNDN tạm tính quý mà không phải nộp tờ khai thuế TNDN quý. Việc xác định tiền nộp căn cứ trên kết quả sản xuất kinh doanh quý. DN thực hiện tạm nộp số thuế TNDN của chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Khai quyết toán thuế TNDN. Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 90. Kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc kết thúc năm tài chính.
Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN bao gồm:
- Tờ khai quyết toán thuế TNDN. (theo mẫu số 03/TNDN và các phụ lục kèm theo ban hành kèm theo Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013).
7/ Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Doanh nghiệp trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không. Doanh nghiệp khai quyết toán thuế thay cho cá nhân có ủy quyền. Nếu tổ chức không phát sinh trả thu nhập trong năm thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
- Trường hợp không phát sinh thuế TNCN thì không phải nộp tờ khai thuế theo tháng/quý, nhưng vẫn phải nộp tờ khai quyết toán năm.
- Việc khai thuế theo tháng/quý được xác định một lần kể từ tháng đầu tiên có phát sinh khấu trừ thuế và sẽ được áp dụng cho cả năm, cụ thể:
- Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của ít nhất một loại tờ khai thuế thu nhập cá nhân > 50.000.000 đồng thì khai thuế theo tháng.
- Tổ chức, cá nhân trả thu nhập không thuộc diện khai thuế theo tháng nêu trên thì thực hiện khai thuế theo quý.
8/ Tài khoản ngân hàng của công ty
Doanh nghiệp cần mở tài khoản ngân hàng để giao dịch với khách hàng. Khi có những hóa đơn đầu vào có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (đã bao gồm thuế GTGT). Vì theo quy định Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài Chính hóa đơn mua vào từ 20 triệu đồng trở lên. Phải thanh toán bằng hình thức chuyển khoản thì mới được khấu trừ thuế GTGT và chi phí tính thuế TNDN mới được trừ.
Doanh nghiệp phải tiến hành mở tài khoản Ngân hàng. Và thông báo số tài khoản ngân hàng đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở (theo Mẫu tại Phụ lục II-1 Thông tư TT 02/2019/TT-BKHĐT).
9/ Lao động và Bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp mới thành lập (công ty tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH). Có sử dụng lao động và ký hợp đồng với người lao động có thời hạn hợp đồng từ 1 tháng trở lên ( hợp đồng lao động phải theo đúng mục đích, nhu cầu của hai bên và chuẩn mực của luật lao động). Thì sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hiện nay việc khai thông tin BHXH cho người lao động cũng đã được cơ quan Bảo Hiểm phổ biến rộng rãi theo hình thức nộp điện tử qua trang phần mền BHXH điện tử của một số nhà mạng như EFY, VNPT Ivan…Bạn có thể liên hệ An Hòa để được tư vấn về phần mền BHXH phù hợp với DN và tiết kiệm chi phí nhất.
DN cũng phải tiền hành làm các thủ tục và đăng ký thang bảng lương theo mẫu hệ thống thang bảng lương để nộp cho cơ quan BHXH theo mẫu.
Thời hạn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là trong vòng 30 ngày kể từ ngày Hợp đồng lao động có hiệu lực.
10/ Thông báo phương pháp khấu hao tài sản cố định
Theo quy định doanh nghiệp mới thành lập tuy không phát sinh tài sản cố định vẫn phải nộp bản đăng ký phương pháp khấu hao tài sản cố định. Sau khi phát sinh tài sản cố định, doanh nghiệp phải tiếp tục lập và nộp bảng thông báo phương pháp trích khấu hao tài sản cố định.
Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định có 3 phương pháp tính khấu hao TSCĐ đó là: Khấu hao theo phương pháp đường thẳng, Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh, Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm. DN cần lựa chọn phương pháp khấu hao tài sản cố định sao cho phù hợp với tình hình hoạt động của mình và thông báo cho cơ quan thuế.
11/ Đăng ký áp dụng chế độ kế toán:
Chế độ kế toán là những quy định và hướng dẫn về kế toán do Bộ tài chính ban hành. Doanh nghiệp có thể lựa chọn 1 trong 2 chế độ kế toán như sau:
- Chế độ kế toán theo thông tư 133/2016/TT-BCT áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Chế độ kế toán theo thông tư 200/2014/TT-BTC áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi đối tượng, mọi thành phần kinh tế.
Dựa trên tình hình thực tế doanh nghiệp làm công văn đăng ký áp dụng chế độ kế toán cho mình và gửi lên cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
12. Xây dựng bảng định mức nguyên vật liệu
Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh sản xuất sản phẩm hàng loạt. Yêu cầu bắt buộc là phải xây dựng được định mức về nguyên vật liệu sản xuất. Đây chính là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện hạch toán và xác định giá thành sản xuất.